Vật liệu xây dựng chiếm từ 30-50% tổng đầu tư xây dựng

Sáng 13/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Vật liệu xây dựng mới cho những công trình xây dựng trong tương lai”. Hội thảo do Báo Xây dựng và Viện Vật liệu Xây dựng phối hợp tổ chức.

Vật liệu xây dựng chiếm từ 30-50% tổng đầu tư xây dựng

Hội thảo đã tập trung thảo luận, đánh giá, nhận định và đưa ra những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong việc quy hoạch và sử dụng vật liệu xây dựng mới. Đồng thời, thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ hơn sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.

Đặc biệt, một nội dung quan trọng là thúc đẩy sự phát triển ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng được đề cập và thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu.

Ở nước ta, hiện đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng chiếm từ 30 – 50% tổng đầu tư xây dựng. Do đó, phát triển ngành vật liệu xây dựng không chỉ giúp ngành xây dựng, bất động sản phát triển bền vững mà còn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2017, tổng giá trị doanh thu ngành vật liệu xây dựng  đạt gần 400.000 tỷ đồng (gần 17 tỷ USD), chiếm 7,5% GDP. Các sản phẩm chủ lực là: xi măng: 31%, gạch ốp lát: 20%, sứ vệ sinh: 5%, kính xây dựng: 4%…
ảnh 1

Ngành Vật liệu xây dựng có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Thành Nguyễn.

Năng lực sản xuất của một số sản phẩm chủ yếu của ngành như sau: Xi măng: 89 triệu tấn/năm (bằng 2% sản lượng xi măng thế giới); Gạch ốp lát: 705 triệu m2/năm (bằng 5% sản lượng toàn thế giới); Kính xây dựng: 200 triệu m2/năm (bằng 2% sản lượng kính toàn thế giới); Sứ vệ sinh: 20 triệu sản phẩm/năm (bằng 1,5% sản lượng toàn thế giới); Đá ốp lát: 16 triệu m2/năm;…

Nhu cầu một số loại vật liệu chính của Việt Nam đến năm 2020, cụ thể vật liệu xây: 30 tỷ viên, vật liệu lợp: 59,9 triệu m2, đá xây dựng: 181 triệu m3, cát xây dựng: 130 triệu m3.

Ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xuất khẩu các loại vật liệu chính với tỷ lệ (trong tổng công suất thiết kế mỗi loại sản phẩm) là Xi măng: 20 – 30%, vật liệu ốp lát: 25 – 30%, kính phẳng: 20 – 30%, sứ vệ sinh: 30 – 40%, vôi: 30 – 50%. Riêng sản phẩm thép, mục tiêu cho các năm 2020 và 2025 lần lượt là 20% và 25% sản lượng.

Theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng: Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong các năm từ 2015 – 2017 đều tăng. Và nếu căn cứ vào mức tăng trưởng trong 3 năm này thì nhu cầu thực tế trong 3 năm tới (từ 2018 – 2020) của một số loại vật liệu sẽ không đạt sản lượng như dự báo. Tuy nhiên, cũng có một số loại vật liệu đã vượt mức theo quy hoạch rất lớn.

“Trong tương lai, các công trình sẽ ngày càng chú trọng về độ bền, tiết kiệm năng lượng, chi phí xây lắp, do đó các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng này để có sự điều chỉnh về công nghệ sản xuất và sản phẩm”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng trong hội thảo, Ban tổ chức đã trao chứng nhận “Thương hiệu vật liệu xây dựng, nội thất uy tín” do bạn đọc Báo Xây dựng và người tiêu dùng bình chọn cho 10 doanh nghiệp.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Related Posts